Tượng Gỗ Sưa

Đôi điều về Gỗ Sưa (黄花梨木)

Việt Nam có khí hậu nhiệt đới nóng ẩm mưa nhiều, cây cối bốn mùa tươi tốt, nơi sản sinh ra rất nhiều loài Kỳ hoa Dị thảo và đã đóng góp cho sách đỏ của thế giới nhiều loại gỗ quý. Trong các loại gỗ quý của Việt Nam có 4 loại quý hiếm chuyên làm đồ nội thất rất nổi tiếng mà giới chơi đồ mộc ai cũng biết đến, đó là gỗ Hoàng Đàn, Sưa, Trắc, và Cẩm Lai. Ngoài gỗ Hoàng Đàn là họ Bách, 3 loại còn lại là dòng họ Đậu. Sưa, Trắc và Cẩm Lai đều là dòng gỗ rất chậm lớn, tom gỗ nhỏ, thớ mịn và đặc biệt là vân gỗ vô cùng đẹp. Nhưng đứng đầu trong 3 loại là gỗ Sưa. Trong tiêu đề này, chỉ chuyên nói về gỗ Sưa.

Gỗ tên Sưa nghe đã thấy sự cổ kính và huyền bí trong tên gọi. Đó là giống cây sống ở Việt Nam nhưng mỗi địa phương gọi tên một khác. Ở miền Bắc, gọi là gỗ Sưa; miền Trung gọi là Trắc thối; miền Nam gọi là Huỳnh Đàn; vùng giáp Lào gọi là gỗ Huê. Mỗi một vùng do địa lý và thổ nhưỡng sản sinh ra một giống Sưa khác nhau về chất lượng và màu sắc như Sưa vàng, Sưa đỏ, Sưa tía. Nếu nói Sưa ở vùng Gia Lai thì chỉ có Sưa vàng; Sưa ở vùng Quảng Bình mọc trên núi đá cằn thì có Sưa đỏ nhiều vân đẹp, vẫn là quý hiếm nhất Việt Nam.

Thời xưa sách cổ của Trung Hoa đã ghi chép lại rất nhiều sản vật quý lạ của đất Giao Chỉ ta, trong đó có Trầm Hương và gỗ Sưa (黄花梨木 Hoàng Hoa Lê là tên của người Trung Quốc gọi cho gỗ Sưa). Vân gỗ Sưa rất đẹp như vân mây và có ánh ở trong, càng dùng lâu càng đẹp. Khi mới chế tác, gỗ Sưa tỏa ra một mùi thơm nhẹ rất dễ chịu, nhưng nổi vân không rõ. Khi gia công xong, đánh si lên sản phẩm, thì vân nổi lên rất rõ như rồng bay phượng múa nhưng mùi thơm lại bị mất đi (khi xưa không có si thì đánh bóng bằng sáp). Vì là cây rất chậm lớn nên gỗ chắc và quánh, tom gỗ nhỏ, mịn. Nhưng đặc biệt là gỗ Sưa chịu được mọi khí hậu. Ở Trung Hoa có khí hậu khắc nghiệt, không ôn hòa như Việt Nam, những nơi sa mạc hóa có nhiệt độ ngoài trời trên 50 độ C, có nơi tuyết dày nhiệt độ dưới âm 20 độ. Ở nhiệt độ đó ít loài gỗ nào chịu được khí hậu khắc nghiệt như vậy, nhưng gỗ Sưa thì chịu được, rất hiếm bị nứt vỡ, vì vậy gỗ Sưa mang tính bền bỉ và trường tồn. Được đánh giá cao về chất lượng và thẩm mỹ nên gỗ Sưa hay được dùng làm đồ trong cung Vua Chúa thời xưa. Ở ngoài dân gian, trong nhà nào mà có sản phẩm bằng gỗ Sưa thì thể hiện người chủ là một người biết chơi và mang một tâm lý là sự thịnh vượng sẽ luôn trường tồn, bền vững trong ngôi nhà người đó. Vì vậy người Trung Quốc đua nhau dùng sản phẩm gỗ Sưa nên giá thành cao một cách chóng mặt như vậy.

Trung Quốc cũng có gỗ Sưa, đẹp nhất là ở vùng Hải Nam nhưng cũng không đẹp bằng gỗ Sưa đỏ của Quảng Bình ta được.

 

Trong Cung đình Huế có rất nhiều đồ dùng của Vua chúa được làm từ gỗ Sưa. Vì là gỗ quý nên những tác phẩm đều được lựa chọn kỹ ý tưởng trước khi chế tác. Người Chủ luôn phải kén chọn người Thợ giỏi, có hoa tay, thẩm mỹ cao. Cũng như gỗ Hoàng Đàn mỗi phôi gỗ Sưa khi qua tay Nghệ Nhân Việt đều ra một tác phẩm để đời chỉ có một không có hai. Nếu người chủ chọn nhầm, đưa ra ý tưởng ngoài khả năng tay nghề của người thợ thì sản phẩm ra xấu, không đạt được như ý tưởng mong muốn nên khi đó giá trị sản phẩm rất thấp, có khi không bằng giá bán phôi khi chưa chế tác. Gỗ Sưa to nhỏ không bỏ đi chút nào. Gỗ nhỏ dùng làm vòng hạt đeo tay, ống bút, chiếu ghép…, to thì dùng làm tượng, tranh, bàn ghế…, nhưng sản phẩm nào dù từ to đến nhỏ làm bằng gỗ Sưa tốt đều sang và đẹp.

Cũng như đã nói ở trên, gỗ Sưa có rất nhiều loại, loại sống trong đồng bằng phía Nam, có màu vàng nhạt, vân ít, mờ nên giá thành thấp và đóng đồ không đẹp (có khi không đẹp bằng gỗ Hương Vân, Cẩm Chỉ). Có loại trồng trong dân gian chưa đủ lớn đã đẽo đi bán được gọi là Sưa vườn cũng không có giá trị cao. Sưa vùng Quảng Bình trên núi cằn cỗi lâu năm đó là Sưa đẹp nhất, gặp được khúc Sưa già nào có mấu, sụn thì vân vô cùng đẹp và rất nặng được gọi là Sưa vân lông chuột. Nhưng trong gỗ Sưa đẹp nhất vẫn là Lu Sưa. Trong các loại gỗ Lu, Lu Hương đã là rất quý và giá thành cao, chỉ được dùng làm mặt bàn, mặt ghế cao cấp hoặc làm nội thất ô tô xịn, nhưng so với Lu Sưa thì Lu Hương vẫn chỉ được xếp vào ngồi chiếu dưới rất nhiều. Vân Lu Sưa có ánh sâu trong vân trông đẹp và huyền ảo vô cùng mà không gỗ nào có được. Vì Lu Sưa rất ít và hiếm nên giá thành hết sức cao, có lúc trên 20 triệu đồng/kg. Một vòng hạt đeo tay bằng Lu Sưa cả chục triệu đồng cũng không mua được.

Gỗ Sưa ngày trước cũng được coi trọng nhưng do cuộc sống khó khăn nên không được đánh giá cao lắm. Ngày nay, khi kinh tế được lên cao, con người chú ý đến đồ đẹp, sang trọng trong gia thất của mình, nhất là người Trung Hoa, họ hiểu được giá trị gỗ và chơi gỗ từ ngàn năm nên các nhà buôn sang nước ta thu mua từ lúc bên Việt Nam giá còn rẻ. Đến nay, họ thu mua gỗ đẹp bằng mọi giá nên đã tạo ra những cơn sốt gỗ Sưa ở Việt Nam.

Ở Việt Nam, gỗ Sưa đẹp còn lại rất ít, số lượng lớn đã bán sang ngoai bang, chỉ lưu lại ở những người đã từng sưu tầm gỗ từ trước hoặc những thương gia có điều kiện kinh tế và rất yêu mến đồ mộc, do vậy những người yêu gỗ Sưa và đồ mộc nói chung rất mong cây Sưa được đánh giá đúng, được trồng và khai thác một cách có quy hoạch để đem lại lợi ích kinh tế và cho các nước trên thế giới, không chỉ trong Châu Á đều biết đến một loài gỗ quý hiếm đang có ở Việt Nam.

GIA HÙNG

 

Sắp xếp:   Hiển thị: