Tượng gỗ Tử Đàn

Đôi điều về gỗ Tử Đàn (紫檀)

Đất nước Ấn Độ nơi khai sinh ra Đạo Phật, tại đó có 2 loại gỗ cực kỳ quý hiếm đó là gỗ Tử Đàn và gỗ Đàn Hương. Gỗ Đàn Hương nghe đã thấy có mùi thơm trong tên gọi. Quả đúng vậy, gỗ Đàn Hương có mùi hương đặc biệt, rất sang trọng và cao quý, ai đã thưởng lãm một lần thì rất khó mà quên được. Vì gỗ có tinh dầu, rất lâu phai mùi, nên gỗ Đàn Hương chỉ làm vật phẩm nghi lễ cúng tế trong những nơi trang nghiêm. Thời xưa, các vua chúa Trung Hoa hay dùng quạt làm bằng gỗ Đàn Hương, mỗi lần quạt, gió đưa lại một mùi hương thơm nhẹ, cao quý đến tột bậc, tạo nên một không gian mà chắc chỉ có ở chốn bồng lai tiên cảnh. Bài viết ngắn này chỉ chú trọng đến gỗ Tử Đàn còn gỗ Đàn Hương sẽ có ở một bài chi tiết hơn.

Khác với gỗ Đàn Hương, gỗ Tử Đàn thuộc nhóm lớn của thực vật cây thân gỗ. Gỗ Tử Đàn có 2 loại Tử Đàn lá nhỏ và Tử Đàn lá to. Tử Đàn lá to được phân bố tại Indonesia và Nam Phi. Tử Đàn lá to cũng là gỗ quý hiếm nhưng cây lớn nhanh, không chắc như gỗ Tử Đàn lá nhỏ. Có thể ví Tử Đàn lá nhỏ là vua các loại gỗ, vì vào những thời tiết khắc nghiệt nhất cũng không làm gỗ bị cong vênh và nứt vỡ và không loài mối mọt nào xâm hại được. Gỗ Tử Đàn lá nhỏ rất quánh và mịn trông tưởng như không có tom gỗ vì cây rất chậm lớn, lõi gỗ từ 10 đến 15cm thì cây phải có vòng đời hơn cả trăm năm tuổi, do vậy cây có tỉ trọng rất nặng nên gỗ bị chìm khi được thả xuống nước.

Khác với Gỗ Sưa đẹp vì có vân lâu năm, gỗ Tử Đàn có một màu táo tầu sẫm, vân nhẹ màu táo tàu đỏ trông rất dịu mắt và sang trọng. Đặc biệt, gỗ Tử Đàn khác gỗ Trắc là không bị xuống màu theo thời gian, khi chế tác màu thế nào thì khi dùng bao nhiêu lâu sau màu vẫn thế, càng dùng càng lên nước đẹp tươi hơn. Như trước đã nói, gỗ Sưa đẹp về vân còn gỗ Tử Đàn đẹp về màu và chất gỗ, khiến cho việc dùng nó làm đồ nội thất thì không một gỗ nào sánh được. Một bộ bàn ghế gỗ Trắc để cạnh bàn ghế gỗ Tử Đàn thì sẽ khác nhau một trời một vực.

Trong các triều đại phong kiến Trung Hoa, thời Minh là thời có nhiều nội thất trong cung đình đẹp và tinh tế nhất. Vì biết là gỗ quý nên danh sách gỗ làm trong nội cung thì gỗ Tử Đàn là đứng đầu. Trong sách sử Trung Hoa đã có ghi lại long sàng vua Minh và long sàng để trong vườn thượng uyển triều Thanh đều được làm bằng gỗ Tử Đàn. Chất gỗ rất mịn nên sờ vào sản phẩm làm bằng gỗ Tử Đàn ta thấy mát tay như sờ vào ngọc.

Chất gỗ rất lành, tom nhỏ mịn vân chìm, màu sắc dịu nên gỗ Tử Đàn được chọn hàng đầu để làm tượng Phật Thánh hoặc các Vĩ nhân vì khi tác phẩm được hoàn thành, điều trước tiên được đánh giá là diện (khuôn mặt). Nếu diện mạo có tì vết vân gỗ thì bức tượng đã giảm đi sự trang nghiêm và đẹp rất nhiều. Vì vậy gỗ Sưa nhiều vân đẹp chỉ chuyên làm tranh và đồ nội thất, đẹp hơn làm tượng. Còn chế tác tượng bằng Tử Đàn sẽ thể hiện được toàn bộ thần thái uy nghi và tinh tế của các bậc thánh hiền. Do gỗ không bị xuống màu nên có những tác phẩm đã tồn tại hàng vài trăm năm mà vẫn thấy đẹp mãi theo thời gian.

Ngày nay, gỗ Tử Đàn được xếp trong danh mục gỗ quý hiếm trên thế giới. Ấn Độ từ lâu đã đưa gỗ Tử Đàn vào danh sách gỗ cấm xuất khẩu. Vì là gỗ hiếm, rất chậm lớn nên chúng ta thấy thật hối tiếc vì không bao giờ thấy lại được những tác phẩm để đời cho nhân loại đã bị phá hỏng trong thời chiến tranh và cách mạng văn hóa tại đất nước Trung Hoa.

GIA HÙNG

Sắp xếp:   Hiển thị: